Hỗ trợ - Hotline +(84)43 9428 106

Xây dựng luật bảo hiểm mới

Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 và Luật số 61/2010/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm được thi hành đến nay đã được gần 20 năm. Bên cạnh những kết quả tích cực như việc tạo ra khung khổ pháp lý đầy đủ, minh bạch; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp... sau gần 20 năm thi hành, Luật kinh doanh bảo hiểm cũng có một số điểm cần hoàn thiện để theo kịp với sự phát triển của thị trường bảo hiểm, cũng như sự thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại các văn bản pháp luật có liên quan (như Bộ Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Thanh tra, Luật Đầu tư...).

Xây dựng luật bảo hiểm mới

Được biết, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đang xây dựng dự thảo Luật bảo hiểm mới, với những thay đổi, điều chỉnh ở 12 nội dung chính sách, bao gồm:

1: Chính sách 1: Chế độ tài chính áp dụng đối với DNBH (Bổ sung các quy định về đổi mới mô hình quản lý DNBH bao gồm: DNBH xác định, tính toán, lượng hóa tác động của từng loại rủi ro đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó xác định số vốn tối thiểu phải có nhằm đáp ứng cam kết với khách hàng, đảm bảo an toàn tài chính; - DNBH phải duy trì vốn hiện có cao hơn so với vốn tối thiểu theo quy định của Chính phủ; Quy định về việc tính toán dự phòng nghiệp vụ, định giá tài sản và báo cáo tài chính có liên quan phù hợp với mô hình quản lý vốn.)

2: Chính sách 2: Công khai, minh bạch thông tin (Các thông tin DNBH phải công khai bao gồm: lịch sử của doanh nghiệp, cơ cấu tổ chức bộ máy, tình hình tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các rủi ro mà doanh nghiệp gặp phải, cách thức kiểm soát rủi ro; DNBH phải công khai thông tin về sản phẩm bảo hiểm (quy tắc, điều khoản, biểu phí) trên trang thông tin của DNBH và trang thông tin của ngành bảo hiểm theo quy định của Chính phủ.)

3. Chính sách 3: Hoàn thiện quy định về thành lập và quản trị doanh nghiệp (Bổ sung, sửa đổi các quy định về thành lập doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro bao gồm: Quy định về điều kiện thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; Quy định về tổ chức bộ máy của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phù hợp với thực tế; - Các nguyên tắc đối với người quản trị điều hành và quản trị rủi ro, quản trị doanh nghiệp; Quy định về việc doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng, thiết kế sản phẩm bảo hiểm theo các yêu cầu cơ bản theo quy định của pháp luật; Quy định về công khai, minh bạch thông tin sản phẩm bảo hiểm.)

4. Chính sách 4: Hoàn thiện quy định về hợp đồng bảo hiểm đảm bảo thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật và phù hợp với sự phát triển của thị trường (Sửa đổi quy định về hợp đồng vô hiệu, đình chỉ hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, hủy hợp đồng; Sửa đổi quy định về căn cứ bồi thường; Sửa đổi quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm; Bổ sung quy định về thẩm quyền và cách thức sử dụng một số thuật ngữ chung trên thị trường bảo hiểm...)

5. Chính sách 5: Phát triển sản phẩm bảo hiểm (Bổ sung quy định doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng, thiết kế sản phẩm bảo hiểm theo các yêu cầu cơ bản theo quy định của pháp luật;  Sửa đổi, bổ sung quy định về công khai, minh bạch thông tin sản phẩm bảo hiểm...)

6. Chính sách 6: Trung gian bảo hiểm (Bổ sung quy định thành lập môi giới cá nhân; Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về cấp phép thành lập và hoạt động;  Bổ sung quy định về tổ chức bộ máy; hướng dẫn doanh thu, chi phí; quy định về thời hạn của chứng chỉ đại lý bảo hiểm...)

7. Chính sách 7: Dịch vụ phụ trợ (Quy định nội dung, phạm vi hoạt động của các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm và trách nhiệm của DNBH khi sử dụng các dịch vụ phụ trợ.)

8. Chính sách 8: Bảo hiểm vi mô (Bổ sung khái niệm về bảo hiểm vi mô, chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát bảo hiểm vi mô; Bổ sung quy định về đối tượng được phép triển khai bảo hiểm vi mô, đối tượng tham gia bảo hiểm vi mô; Quy định đặc trưng của sản phẩm bảo hiểm vi mô; giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể về điều kiện hoạt động, quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính, quản lý nghiệp vụ và sản phẩm bảo hiểm vi mô).

9. Chính sách 9: Cơ chế phối hợp, liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức trực tiếp triển khai bảo hiểm thương mại và bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm y tế (bảo hiểm sức khỏe), bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm bảo lãnh thông quan, bảo hiểm tài sản công,.. (Bổ sung cơ sở pháp lý cho việc kết nối bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm thương mại; Bổ sung quyền và trách nhiệm của các bên có liên quan.)

10. Chính sách 10: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng đào tạo thị trường bảo hiểm (Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thị trường bảo hiểm thông qua nghiên cứu và hướng tới việc áp dụng khung tiêu chuẩn năng lực phù hợp với thực tiễn và sự phát triển của thị trường; ban hành các quy định nhằm chuẩn hóa chất lượng nguồn nhân lực thông qua hệ thống chứng chỉ chuyên môn phù hợp với khung tiêu chuẩn năng lực; tăng cường công tác đào tạo cán bộ của ngành bảo hiểm; Xây dựng Viện phát triển bảo hiểm trên cơ sở xã hội hóa Trung tâm nghiên cứu đào tạo bảo hiểm (không thành lập tổ chức mới) theo thông lệ quốc tế nhằm thực hiện chức năng đề xuất về mức phí sàn, phương pháp định phí bảo hiểm, phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ, đào tạo nguồn nhân lực tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề, đóng góp xây dựng cơ chế chính sách).

11. Chính sách 11: Ngăn ngừa gian lận và giải quyết tranh chấp trong kinh doanh bảo hiểm  (Bổ sung quy định về xử lý gian lận trong kinh doanh bảo hiểm; Bổ sung các quy định về giải quyết tranh chấp trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.)

12. Chính sách 12: Quản lý nhà nước hoạt động bảo hiểm (Quy định các biện pháp can thiệp của cơ quan quản lý trong trường hợp kết quả tính toán cho thấy DNBH có nguy cơ không đáp ứng yêu cầu về vốn tối thiểu; Quy định về thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình kiểm tra, thanh tra hoạt động bảo hiểm.)

Nhìn vào những nội dung chính sách dự kiến sẽ sửa đổi bổ sung trong Luật mới, có thể thấy Luật bảo hiểm mới sẽ giải quyết được các vấn đề thiếu sót, tồn tại, vướng mắc của Luật hiện tại  (như  vấn đề hợp đồng vô hiệu, đình chỉ hợp đồng, quy định về đại lý tổ chức, doanh thu chi phí của trung gian bảo hiểm; chia sẻ thông tin phòng chống gian lận bảo hiểm; kết nối dữ liệu...), cũng như sửa đổi quy định cũ, bổ sung quy định mới để bao quát toàn diện các đối tượng (đã tồn tại nhưng luật cũ chưa đề cập, hoặc vấn đề mới phát sinh của bảo hiểm), phù hợp với sự phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam và các cam kết của Việt Nam khi tham gia các tổ chức quốc tế, xu hướng của ngành bảo hiểm quốc tế (như chuyển chế độ tài chính  của các DNBH sang mô hình vốn trên cơ sở rủi ro; các quy định về trung gian bảo hiểm; phụ trợ bảo hiểm; bảo hiểm công nghệ; quy định về bảo hiểm vi mô… ).

Thời gian từ nay đến khi trình Quốc hội thông qua Luật mới (dự kiến là kỳ họp 2 của Quốc hội năm 2020) không còn nhiều. Để việc xây dựng Luật bảo hiểm mới thành công, ngoài nỗ lực của cơ quan quản lý, Hiệp hội và các hội viên cũng cần tích cực hơn nữa trong vai trò tư vấn, phản biện, đóng góp ý kiến ngay trong quá trình cơ quan quản lý xây dựng dự thảo Luật và cử cán bộ có năng lực phù hợp tham gia vào các tổ/nhóm nghiên cứu/soạn thảo (khi được yêu cầu)./.

Ngô Trung Dũng - Phó Tổng Thư ký HHBHVN